Theo phát hiện mới của các nhà khoa học, tiếp xúc với các “hóa chất vĩnh cửu” có thể làm thay đổi sự phát triển sinh học của trẻ em và gây bệnh.
“Các chất polyfluoroalkyl (hay PFAS), được sử dụng trong một loạt các sản phẩm gia dụng và được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng phân hủy rất chậm và tích tụ trong môi trường và trong cơ thể con người. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh.
Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives cho thấy việc tiếp xúc với chúng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh học của trẻ em – đặc biệt là chức năng tuyến giáp. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với trẻ em.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào trẻ em và thanh niên vì chúng đang trải qua các giai đoạn phát triển quan trọng, có thể dễ bị ảnh hưởng sức khỏe hơn khi tiếp xúc với PFAS. Đây cũng là thời điểm nhiều bệnh nghiêm trọng ở người lớn bắt đầu “bén rễ”. Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đó cho thấy việc tiếp xúc với PFAS trong thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch sau này.
Một phát hiện nổi bật nữa của nghiên cứu là việc tiếp xúc với PFAS có ảnh hưởng đến chức năng hormone tuyến giáp.
“Những phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa rộng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng giảm thiểu rủi ro. Chúng tôi phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với sự kết hợp của PFAS không chỉ làm gián đoạn quá trình chuyển hóa lipid và axit amin mà còn làm thay đổi chức năng hormone tuyến giáp”, Jesse Goodrich, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng và trao đổi chất. Theo Goodrich, việc tiếp xúc với PFAS và cách chúng ảnh hưởng đến chức năng hormone tuyến giáp là đáng ngạc nhiên và có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và trao đổi chất. Hormone tuyến giáp rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ em ở tuổi dậy thì và rất quan trọng cho sự tăng trưởng và trưởng thành của nhiều mô đích, bao gồm cả não và bộ xương. Tổn thương chức năng của tuyến giáp có khả năng làm tăng tiềm năng phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư ở trẻ em.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết 98% người Mỹ có một lượng nhỏ PFAS trong cơ thể và có thể mất từ 3 ngày đến 9 năm để chuyển hóa lượng này. Thật không may, không có cách nào dễ dàng để xác định mức độ phơi nhiễm.
Viện Silent Spring lưu ý người tiêu dùng khó tránh được các “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng không được liệt kê cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận dạng chúng bởi đa số sản phẩm “chống vết bẩn” thường chứa PFAS.
Mới đây Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xem xét đề xuất về việc cấm các loại “hóa chất vĩnh cửu” (PFAS) vì những nguy hại mà nó đem lại. Trong một tuyên bố chung, 5 quốc gia gồm Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy cho biết đã và đang hợp tác soạn thảo đề xuất trên. Các nước này nhấn mạnh, lệnh cấm PFAS sẽ làm giảm lượng PFAS trong môi trường trong thời gian dài, đồng thời sẽ tạo ra các sản phẩm và quy trình an toàn hơn cho con người.
Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam